MANH NHA VỀ PHƯƠNG THỨC CẢI TẠO VẬN MỆNH


Thủy Lưu
Gần đây, dưới chính sách mở cửa về kinh tế lẫn văn hóa của nhà nước, khoa học dự đoán phát triển rất mạnh mẽ. Trong số các môn khoa học dự đoán thì môn Tứ trụ - Tử bình đưa ra nhiều những biện pháp hữu ích trong việc bổ khuyết, chế hóa, cân bằng ngũ hành trong mệnh lý từ tổ hợp Tứ trụ.
Những phương pháp này bao gồm nhiều thao tác tổng hợp như cải tạo phong thủy trong nhà ở, đến việc lựa chọn màu sắc, trang phục, nghề nghiệp, phương vị cầu tài, đặt tên, biệt hiệu, bút danh… Thế nhưng khi nghiên cứu sâu về vấn đề này ta sẽ nhận ra những điều trên chưa đủ, trong quá trình cải tạo vận mệnh của mỗi người. 

Theo quan điểm triết học Phương Đông trong cuốn Tam tự kinh có viết: Tam tài giả, Thiên địa nhân. Tam quang giả, nhật nguyệt tinh. Nghĩa là ba bậc tài gồm có trời, đất và con người, ba nguồn sáng trong vũ trụ bao gồm mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Bởi vì coi con người là một đấng tài đức sánh ngang cùng vũ trụ, được coi là một tiểu vũ trụ, có những yếu tố âm dương, ngũ hành, thể chất và tâm hồn, có quy luật vận động phát triển sinh lão bệnh tử…nên thuyết Tam tài, hay Tam nguyên Thiên - địa - nhân đã được xây dựng nên.
Đúng vậy, con người là một thực thể sinh học và xã hội. Hay nói một cách khác đi thì mỗi người là một tiểu vũ trụ, có các thuộc tính về âm dương, ngũ hành, có quy luật vận động và phát triển, và đương nhiên cũng đầy những huyền bí, tinh tế bao hàm trong đó. Vận mệnh của con người chính là những quy luật vận động mang tính chất khách quan, tất yếu trong cuộc sống. Những quy luật này có tốt có xấu. Giầu sang vinh hiển của con người cũng có biểu đồ như hình vẽ một quả trứng vậy, một số ít đại phú, đại quý những cũng có một số ít ở đáy quả trứng, nghèo túng, khó khăn, bần hàn, bất hạnh, bệnh tật tăm tối cứ dày võ hành hạ mãi không thể nào ngóc đầu dậy được. Còn lại phần đa con người trong xã hội có cuộc sống no cơm ấm áo, khá giả. Một điều tin chắc rằng không thể nào có thể cải tạo toàn phần, biến một xã hội không còn những mảnh đời bất hạnh, đó là một điều quá sức ảo tưởng, không tưởng. Thế nhưng con người luôn hướng tới một thế giới ngày môt tốt đẹp hơn, hướng tới một cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn. Nho giáo cho rằng: “Quân tử tự cường bất túc”. Hay như quẻ Càn trong Kinh dịch miêu tả đức cương kiện, tiến thủ không ngừng hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn. Vậy thì con người ta tin tưởng và hoàn toàn có cơ hội cải thiện vận mệnh mình bớt xấu đi (khi mà nó quá xấu), hay tốt đẹp lên thêm như hoa thêu gấm dệt (khi mà bản thân nó đã tốt). Việc cải thiện vận mệnh con người được thực hiện và chỉ khi có kết quả dựa trên quá trình tu dưỡng, học tập, sản xuất, lao động sáng tạo kiên trì bền bì và không biết mệt mỏi mà thôi.
Con người là môt tiểu vũ trụ, muốn cải thiện được vận mệnh con người cần căn cứ vào chính bản thân của con người sau đó mới đến việc áp dụng các phương pháp ở ngoài để bổ trợ thêm vào. Các phương pháp mà chúng ta vẫn thường được nghe như khuyết hành này, hành kia quá vượng, nên chọn tên bộ mộc, hay nên chọn tên bộ thủy chính là dụng thần điều hầu trong tứ trụ.
Khi lấy con người làm trọng tâm của công cuộc cải vận chúng ta cũng cần phải xét đến việc tự cường trong nội tại. Nôi dung này sẽ có hai vấn đề cơ bản mà tôi sẽ trình bày dưới đây.
Thứ nhất: Yếu tố về mặt xã hội
Đạo đức: Đạo đức bao gồm tất cả các chuẩn mực thái độ hành vi của con người trong xã hội phù hợp với quy tắc ứng xử quan điểm quan niệm và dư luận xã hội. Nếu vi phạm những quy chuẩn này con người sẽ bị dư luận xã hội lên án, phản đối, lương tâm chịu đau khổ, giày vò, hối hận.
Pháp luật bao gồm tất cả những quy định chuẩn mực chung được nhà nước đề ra để quản lý đất nước, quản lý xã hội, nhằm đưa xã hội đi vào quy củ, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Cá nhân và tất cả các tổ chức đều phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý bằng các biện pháp cụ thể.
Như vậy một cá nhân muốn có cuộc sống ổn định, tạo điều kiện để xây dựng cuộc sống no âm văn minh điều đầu tiên chính là phải tôn trọng và thực hành theo các quy chuẩn về đạo đức và pháp luật. Khi vi phạm những nguyên tắc trên tắc sẽ bị xử lý, bởi thế mặc dù được tự do trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, sinh hoạt…nhưng con người luôn phải ước thúc, kiểm soát, tu dưỡng bản thân để không vi phạm những quy chuẩn tối thiểu trên. 
Thứ hai về mặt học thuật:
• Căn cứ vào chính bản thân nội tại con người: Mỗi một tổ hợp tứ trụ của mỗi người để đạt được trạng thái lý tưởng nhất đó chính sự cân bằng, hài hòa sinh khắc hợp lý. Nhưng trên thực tế rất hiếm những người đạt được trạng thái lý tưởng đó. Hầu hết đều thiên về cực vượng, hoặc cực nhược, Khổng tử nói trong Tứ thư đó chính là trạng thái bất cập hoặc thái quá. Mục tiêu của cải biến vận mệnh chính là tìm ra nguyên nhân mất cân bằng để đưa ra những biện pháp cụ thể trong tư duy, sinh hoạt, công việc, phong thủy để đạt tới trạng thái cân bằng. Trong tất cả những điều trên khi lấy con người làm trung tâm thì cá nhân mỗi người có vai trò tích cực nhất. Cụ thể như sau: 
- Người khuyết Mộc hoặc Mộc suy trong tổ hợp tứ trụ: Trong ngũ hành Mộc chính là lòng nhân ái, ôn hòa, và tinh thần nghiên cứu, học tập, tỉ mỷ siêng năng. Nếu như khiếm khuyết, hoặc suy nhược về hành Mộc, cá nhân người đó phải nêu cao tinh thần nhân ái, độ lượng, thương người và chịu khó nghiên cứu, học tập để có khối lượng tri thức đủ đáp ứng và xử lý các tình huống trong cuộc sống. Thực hiện các công tác xã hội, công tác từ thiện… Những việc làm trên chính là tự thu hút mộc khí cho mình một cách hữu hiệu nhất
- Người Mộc vượng: Đối với những người Mộc vượng thường có một thói quen trong tư duy đó chính là đầu óc suy nghĩ tản mạn, rất khó tập trung, đều này ảnh hưởng lớn tới công việc và quá trình học tập. Không những thế, Mộc vượng thường rất dễ gặp những chuyện thị phi, nói một cách văn hoa là thị phi nhưng thực chất chính là mang tiếng xấu do bị hiểu lầm, hoặc xảy ra tranh chấp cãi cọ, vào hạn xấu còn có thể dây dưa hình pháp, kiện tụng. Bởi vì mộc khí quá vượng tính chất lan man, vì Mộc có tính hướng ra mọi phía, trong quá trình phát triển, thiếu tập trung, lại vì mức độ lan tỏa mà đối diện với thị phi miệng tiếng rất nhiều, chưa kể đến những dễ mắc các bệnh về gan và mật (Trong Đông y, Mộc chỉ gan và mật). Bởi vậy cần Kim để khắc chế bớt. Kim chính là sức mạnh tập trung trong tư duy, Kim chính là lý lẽ, lẽ phải, bởi tính chất cứng rắn, thẳng thắn. Người mà luôn tập trung trong tư duy, nghiên cứu tất sẽ đạt hiệu quả cao trong học tập và nghiên cứu. Người mà luôn giữ tâm ngay thẳng tôn trọng lẽ phải thì đương nhiên có gặp thị phi nhưng vẫn không hề suy chuyển, mọi việc được sáng tỏ, người xung quanh lại càng yêu mến, kính phục và tin tưởng hơn.
- Người Hỏa suy, hoặc khuyết Hỏa: Hỏa trong ngũ hành gồm rất nhiều trạng thái, Hỏa có tính nóng, luôn bốc lên cao, và ánh sáng tượng trưng sự nhiệt tình, hăng hái, văn minh hướng thượng. Người Hỏa nhược thường thiếu sự quyết tâm, nhiệt tình và hăng say. Để thu hút Hỏa khí về mình nên nhiệt tình, nỗ lực, hăng hái, và sáng suốt, vững bước đi lên.
- Người Hỏa vượng thường hấp tấp, nôn nóng, vội vã, khi đã quyết tâm thì rất nhiều tình, nhưng một khoảng thời gian ngắn mà không thu được kết quả sẽ chán nản, ể oải, vì thuộc tính bốc lên cao nhưng thiếu tính chất bền vững của ngọn lửa, tâm lý dễ bị kích động, nổi nóng, đôi khi khó kiểm soát được tâm lý. Đối với những người Hỏa vượng vì bản tính hấp tấp, nôn nóng, và tâm lý nhanh nổi giận thì điều cần nhất là dùng Thủy khí để chế ngự lại. Thủy có tính chất thấm xuống, suy tư trầm lắm, cần điều tiết lại trong thói quen về cuộc sống và công việc đó là thói quen bình tĩnh, suy nghĩ sâu sắc, tự kiềm chế cảm xúc của mình. Khi nào tự mình nỗ lực rèn rũa bản thân có được những đức tính đó, khiến cương nhu đều hài hòa thì công việc, cuộc sống và giao tiếp sẽ thành công hơn.
- Người khuyết Thổ, hoặc Thổ nhược: Hành Thổ có đặc tính sự sự tĩnh tại, bao dung, ổn định, trọng hậu, uy tín. Trong ngũ thường thì Thổ thuộc đức Tín, một khi hành này trong mệnh lý bị khiếm khuyết tất sẽ thiếu hụt những đức tính quý báu trên vì vậy những người Thổ nhược hoặc khuyết Thổ cần phải bổ trợ thêm cho mình sự tĩnh tại, khoan dung, tâm lý bình ổn, không nên hoang mang, giao động khi gặp các tình huống trong công việc và cuộc sống. Không những thế đức Tín phải được tôn trong và đề cao, chữ Tín là một đức trong ngũ thường, chính là lòng trung thành, sự tin cậy, niềm tin của mọi người đối với cá nhân. Như vậy Thổ khí, với tư cách, vai trò ngũ hành trung tâm của vũ trụ và vạn vật trở nên rất quan trọng, từ trẻ nhỏ chơi với nhau, cho tới thương gia, hay chính trị gia, hay một người làm công cũng luôn phải giữ gìn uy tín của bản thân, nếu không có niềm tin tưởng của cá nhân với cuộc sống, của mọi người xung quanh với cá nhân thì khó mà làm nên sự nghiệp. Ta vẫn thường nghe câu, “mất niềm tin là mất đi tất cả”.
- Người Thổ vượng, thường là những người có tâm lý bảo thủ, cứng nhắc, tư duy, hành động thiếu sự linh hoạt, lối làm việc thiếu sự biến thông, rập khuôn, máy móc. Giống như lòng trung thành ở trạng thái cao độ tới mức độ thái quá thì đến độ ngu trung, có phần mù quáng. Như hào thượng của quẻ Phong trạch Trung phu được thánh nhân giảng rằng: “Tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng vẫn xấu”. Ý nghĩa là giữ lòng thành tín là tốt nhưng để khi nó đạt tới mức độ cực đoan, cứng nhắc rập khuôn thiếu sự thông biến thì xấu. Chính bởi lẽ đó người có mệnh lý Thổ vượng thái quá cần có tư duy đổi mới, hành động thông biến và linh động, ứng phó phù hợp với tình huống và hoàn cảnh thì mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu sang. Mục tiêu của việc cải biến vận mệnh mới đạt được kết quả thành công, thắng lợi.
- Những người khuyết Kim hoặc Kim nhược: Trong ngũ hành Kim tượng trưng có nghĩa, nghĩa chính là đạo lý công bằng trong mối quan hệ ứng xử với mọi người. Kim có đặc tính cứng rắn, tượng trưng cho sự tập trung tinh thần, trí tuệ, kiên cường, can đảm và quyết. Những người khuyết Kim tâm lý khó tập trung, ảnh hưởng tới công việc, trong cuộc sống họ lại thiếu sự cứng rắn, kiên cường. Để bù đắp những khuyết điểm trên những người Kim nhược cần tăng cường sự tập trung trong công việc, hạn chế để những ảnh hưởng bên ngoài gây tác động làm mất tập trung trong công việc, khi học tập nghiên cứu. Trong cuộc sống, họ cũng cần can đảm, cứng rắn, kiên cường, và đối xử nghĩa khí đối với những người xung quanh. Bởi vậy, khi tìm được nguyên nhân mấu chốt của bản thân cần kiên trì rèn luyện và thực hành các yếu tố trên, khi hình thành nên một thói quen nhất định sẽ có tác dụng rất tích cực với sức khỏe và công danh, sự nghiệp
- Những người Kim vượng: Kinh Dịch khi đến hào thượng quẻ Càn có viết: “Cương long hữu hối”. Nghĩa là rồng bay lên cao quá có ý hối hận. Người có Kim vượng thường có tâm lý cứng rắn, lạnh lùng, thẳng thắn, phản ứng rất mạnh mẽ và quyết liệt, thiếu hẳn một sự nhu hòa cần thiết, bởi vậy rất dễ mâu thuẫn, va chạm với người xung quanh, kể cả bề trên trưởng bối. Lão tử cho rằng: “Cứng quá dễ gãy”. Trong thực tế quả đúng như vậy, khi mà tỷ lệ Carbon quá cao trộn hòa với sắt, tạo ra một dạng hợp kim có đặc tính rất cứng, nhưng giòn, dễ vỡ, đó chính là gang. Những người Kim vượng thái quá thường là những người cô độc, lạnh lùng, ít hợp với người xung quanh, bản thân họ rất dễ phạm thượng, xung đột với cấp trên, chính vì lẽ đó cuộc sống không thể nào được hoàn hảo như ý muốn. Đôi khi còn đưa lại những kết quả xấu như bị sa thải, thất nghiệp, gia đạo đổ vỡ chia ly, và tệ nhất là dây dưa đến hình pháp. Bởi lẽ đó, nên người Kim vượng cần trải qua một quá trình rèn rũa tôi luyên trong thực tế, họ cần hạn chế cái tôi bản thân, tôn trọng luật pháp, tôn trọng bề trên trưởng bối, biết mình biết người, khiêm tốn, khoan hòa, cư xử nắm lấy nhân hòa là sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của mình.
- Những người khuyết Thủy, hoặc Thủy nhược: Thủy thuộc về tính linh động, trầm lắng, sâu sắc. Trong ngũ thường Thủy chủ về Trí. Những người khuyết Thủy để đảm bảo cho công việc và cuộc sống nên dành nhiều thời gian cho việc suy nghĩ, trâm tư về mọi vấn đề. Khi trao đổi giao tiếp nên chọn lối hành văn lưu loát trôi chảy. Bằng những việc làm trên họ đã bổ trợ cho mình rất nhiều Thủy khí trong sự trầm tư suy ngẫm theo chiều sâu, và hành văn diễn đạt lưu loát thì tự họ sẽ là quý nhân của chính họ, giúp cho việc cải thiện vận mệnh của mình tích cực hơn
- Những người Thủy vượng thường có một số các đặc điểm về tính tình như sau đầu óc quá mưu mô, trí tuệ sắc bén, lãng mạn ướt át, trầm tư sâu lắng, dục vọng tình ái cao. Để khắc phục những hạn chế trên cần có sự định hướng. Những người Thủy vượng vừa cần lòng nhân ái của hành Mộc, để trí tuệ khỏi đưa vào nẻo tà, làm điều ác nhân, thất đức, vừa cần có sự trung hậu của hành Thổ để tiết chế ước thúc hành vi khỏi lãng mạn, sa ngã về tình ái…
Đạo trong trời đất vốn là quy luật chỗ thừa, bù chỗ thiếu, tránh trạng thái bất cập và thái quá là ở chỗ đó
Như vậy lấy con người làm chủ thể trung tâm trong công cuộc cải vận thì phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân con người trước sau đó mới áp dụng các biện pháp bổ trợ sau.
• Bổ trợ khiếm khuyết, cân bằng mệnh lý dựa vào hoàn cảnh môi trường xung quanh:
- Bài trí nhà cửa hợp phong thủy với ngũ hành mệnh lý
- Cầu tài, mưu sinh ở phương vị ngũ hành có lợi cho bản thân
- Lựa chọn nghề nghiệp thích đáng để phát huy tối đa tư chất, tài năng, đam mê, triển vọng của mỗi cá nhân
- Đặt tên, đặt biệt hiệu, bút danh, nickname có ngũ hành là dụng thần của người đó
- Các biện pháp phụ khác như trang phục, môn thể thao tập luyện, chế độ dinh dưỡng phù hợp, sử dụng vật phẩm phong thủy, sử dung sim phong thủy cải tạo vận khí có tác dụng phần nào, mang lại sự tự tin của bản thân, và công danh sự nghiệp được hanh thông thuận lợi
(Những việc làm ở mục sau có tác dụng trong một phạm vi nhất định để cải thiện vận mệnh của mỗi người).
Như vậy, nếu con người là chủ thể trong cuộc sống nhân sinh, được xem là trung tâm, trọng điểm của tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội văn hóa, tinh thần, tâm linh. Người ta có nói: “ Con người là hoa của đất” – là một bậc tài trong vũ trụ, thì quá trình cải tạo vận mệnh phải được khơi động và thực hiện tích cực, nỗ lực từ chính bản thân con người. Những biện pháp cải vận bao gồm cả về mặt nhân luân, xã hội, cả về mặt học thuật, kết hợp với các yếu tố ngoại cảnh, môi trường, công việc, phương vị cầu tài, vật khí phong thủy… sẽ tạo nên một thế nội công ngoại hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, gắn bó mật thiết với nhau. Nội lực tự cường, và ngoại cảnh phù hợp sẽ thúc đẩy vận khí của con người rất mạnh mẽ. Thế nhưng để thực hiện được những điều trên tưởng chừng như đơn giản nhưng nó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, phấn đấu không mệt mỏi, với tinh thần tự cường bất túc.
Học giả Lộc Dã Phu trong cuốn Dương cơ chứng giải có nói như sau: “Người khôn học hỏi những điều tinh hoa từ những người khác. Kẻ dại thì sẽ lấy bản thân và gia đình mình làm vật thí nghiệm. Tôi không dám nhận mình là người khôn, nhưng thà mang tiếng dại đưa bản thân mình và những người thân vào cuộc thí nghiệm để mong những người khác rút ra được những tinh hoa trong cuộc sống”. Quả thật cao cả và chí lý lắm thay, tôi cũng là một người đã thử nghiệm với bản thân, thấy có những tác dụng vô cùng tích cực cho sức khỏe và thu nhập nhập của bản thân nên viện dẫn ra để chia sẻ cùng mọi người
(Lời nói, hay suy nghĩ của một người chẳng thể nào tránh khỏi những hạn chế bởi nhận thức và tầm nhìn, vì vậy mới đen điều mình nghĩ ra nơi ánh sáng, mong nhận được sự đóng góp chân thành từ nhiều anh em bạn bè, từ đó khắc phục những sai lầm và thiếu sót)
Thủy Lưu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Am Ngọa Vân - Nơi Trần Nhân Tông hóa Phật

Quan Lớn Đệ Nhị

Đền Bồng Lai Hòa Bình