Đền Bắc Lệ - Bia ký nhà đền

        Lời ban biên tập:  Đền Công Đồng Bắc Lệ thờ ai. Việc dịch các bia ký của Đền Công Đồng Bắc Lệ có năm 1922 và năm 1933 của Viện Hán Nôm cho thấy Đền Công Đồng Bắc Lệ của bạn Hoàng Giáp - Viện Hán Nôm cung cấp và bạn Đỗ Tùng đăng tải sẽ giúp các bạn sẽ rõ.
      Chúng tôi xin đăng lại bài viết này do bạn Đỗ Tùng đăng tải lên một nhóm về Đạo Mẫu trên Facebook để các bạn tham khảo.    
 
Tam Quan đền Công Đồng Bắc Lệ

      VĂN BIA ĐỀN CÔNG ĐỒNG BẮC LỆ

      Những ai còn thắc mắc, băn khoăn hoặc tranh luận về thần chủ của đền Bắc Lệ - Hữu Lũng, Lạng Sơn thì kính xin tham khảo thêm tư liệu ở bài viết này. Đền Bắc Lệ thờ Tam tòa Thánh Mẫu là: Đệ nhất tiên Thiên Phủ Dày (Mẫu Liễu), Đệ Nhị Sơn lâm Đông Cuông (Mẫu Thượng Ngàn) và Đệ Tam Thủy tinh Xích Lân (Mẫu Thoải) trong đó ngôi thần chủ là Thánh Mẫu Vân Hương Phủ Dày (Tức Mẫu Liễu). Theo bia văn ký thì Đền Bắc Lệ không phải là đền thờ chính của Thánh Mẫu Thượng Ngàn như vẫn quan niệm từ trước đến nay. Thần chủ của Đền Bắc Lệ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Việc tranh cãi về thần chủ của đền Bắc Lệ vẫn tồn tại dai dẳng trong rất nhiều năm giữa các thanh đồng. Nguyên nhân chủ yếu vì những quan niệm được truyền miệng một cách không chính xác do bởi không căn cứ vào tư liệu gốc của đền còn giữ được cộng thêm tâm lý bảo thủ, hiếu thắng mà đã gây ra những sai lệch trong nhận thức về thần chủ của đền trong suốt thời gian qua. Nay đã phiên dịch bia ký của đền mong sự thông tỏ rõ ràng của chư đồng đạo để những nhận thức đúng trở nên nhất quán

1. Bia số 1 (đền Công đồng Bắc Lệ)

          Phiên âm: BẮC LỆ TỪ BI KÝ
          Cung văn:
       Thiên tiên Thánh mẫu, Vân Hương mẫu tú, Sùng Lĩnh chung anh, đình truy ngọc bội, ký Thiên thượng giáng sinh chi cơ. Khánh mộc để mão khẩu lưu nhân gian bất tử chi kỳ tích, lịch đại minh doanh, tứ phương ngưỡng đức.
       Quyến duy:
       Bắc Giang tỉnh, Hữu Lũng châu, Bắc Lệ phố cung phụng: Tam vị Thiên thánh, Thượng Ngàn thánh Mẫu lệ giá công đồng, nẫm trừ linh ứng, tiền thu thảo xá, lũ bị hỏa tai, chí Khải Định tứ niên sở hữu Hoa dân quốc trụ hỏa Hải Phòng châu thành tây án tọa thông phán Trần Khải Xâm có thê Nguyễn Thị Tỷ hiệp các quý đồng mưu hương bản. Công bộ chính tốt toại Nguyễn Bá Xương cúng ngân thập nguyên, Lưu Phúc Xương cúng ngân nhị thập nguyên, trịnh sắc dịch cập thập phương tiến cúng đẳng trùng tu ngõa miếu trù chí nhân thiên thất bách nguyên tiến cúng ước tam bách nguyên, linh hồn can Trần Công Tự tự xuất gia tư tu lý hoàn thành trung văn vu dư. Dư viết công Bắc quốc nhân nãi tưởng đồ thành tể sự diệc nhất đại công đức ý văn minh thời đại hiển hách. Thần quyền thiên lý tại nhân tâm bất khả dẫn một dã. Viên minh vu thạch dĩ thọ kỳ truyền bi hậu nhân đăng tư đình bái yết giả kỳ hữu sở tư hổ. Tư lập bi kì.
        Khải Định thất niên, cửu nguyệt sắt nhật. Nam Thành thanh đồng Vũ Xuân Lan phụng chí; Mộc ân đệ tử Vũ Đức dụ kính thư.

                                            Dịch nghĩa bia ký số 1
 BIA KÝ ĐỀN BẮC LỆ
         Kính nghe:
      Bậc Tiên thiên thánh Mẫu, Vân Hương thánh Mẫu, núi Sùng Lĩnh chung đúc linh thiêng, do đánh vỡ chén ngọc, Trời cho giáng sinh. Tương truyền cây gỗ quý nêu sử tích kỳ dị, trở thành nhân gian bất tử, tiếng tăm lẫy lừng, muôn phương ngưỡng đức.
        Kính nghĩ:
       Phố Bắc Lệ, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang phụng thờ ba vị Thiên tiên Thánh Mẫu, trong đó có Mẫu Thượng. Đền thờ Thánh Mẫu tỏ rõ linh ứng. Trước đây đền lợp lá gianh, thường hay bị hỏa hoạn. Đến năm Khải Định thứ 4 (1919), có một người Hoa ở thành tây Hải Phòng giữ chức Thông phán là Trần Khải Xâm cùng vợ là Nguyễn Thị Tỷ đã hiệp sức với các tín đồ mưu dựng lại. Công việc còn lại do Nguyễn Bá Xương cúng tiến 10 quan; Lưu Phúc Xương (*) cúng tiến 20 quan cùng các bậc sắc dịch và khách thập phương cúng tiền cùng tu sửa mái ngói của đền chính đến 1.700 đồng. Số tiền cúng được 300 đồng, số còn thiếu do ông họ Trần tự xuất tiền của riêng ra tu sửa cho đến khi hoàn thành xin tôi viết văn. Tôi viết ông người phương Bắc đã nghĩ đến công việc hoàn thành để lại sự tích to lớn, công đức ấy thật văn minh, hiển hách một thời. Thần thiêng muôn dặm cũng ở lòng người không thể ngăn được, bèn khắc vào đá để truyền mãi về sau. Bia này người sau khi lên đình (đền) này sẽ bái lạy và nêu theo. Đó là điều ân đức vậy. Nay ghi lời từ vào bia.
        Ngày 01 tháng 9 năm Khải Định thứ 7 (1922) Thanh đồng ở Thành Nam: Vũ Xuân Lan. Mộc ân đệ tử Vũ Đức Dụ kính viết.

2. Bia số 2 (đền Công đồng Bắc Lệ)

         Phiên âm: BẮC LỆ TỪ BI KÝ
         Cung văn:
       Thiên đức Thánh mẫu, Vân Hương mẫu tú, Sùng Lĩnh chung linh, đình truy ngọc bội, ký Thiên thượng giáng sinh chi cơ. Khánh mộc để mão khẩu lưu nhân gian bất tử chi kỳ tích, lịch đại minh doanh, tứ phương ngưỡng đức.
        Quyến duy:
        Bắc Giang tỉnh, Hữu Lũng châu, Bắc Lệ phố. Công đồng linh từ cung phụng: Tam tòa Thánh Mẫu, Thượng Ngàn tiên chúa hội đồng liệt vị nại ư thượng thượng niên từ thu thảo xá lũ bị hỏa tai. Tư hữu Thanh đồng Nguyễn Thị Khoan hiệu Diệu Chính hiệp thừa phụng lệnh đầu thác. Thánh môn thiết niệm: Độc trụ bất thành, lâm đại nhất quỹ tức sơn cao nhưng lập phả khuyến khích khải thập phương tiện tín ưng cúng hằng sản trợ thành, quả phúc tương hồi tu tạo từ vũ nội ngoại các tòa tân thành hiệp khải trù chí ngân nguyên vô kể tư tưởng quan hài đại sự diệc nhất đại công đức y văn minh thời đại hiển hách. Thần quyền thiên lý tại nhân tâm bất khả dẫn một dã thụ minh vu thạch dĩ thọ kỳ truyền bi hậu nhân đăng tư bình bái yết giả hữu sở tư đồ. Tư lập bi từ thời.
Bảo Đại bát niên chính nguyệt Phúc Sinh nhật.

Dịch nghĩa: BIA KÝ ĐỀN BẮC LỆ số 2
           
         Kính nghe:
      Bậc thiên đức thánh Mẫu, Vân Hương thánh Mẫu, núi Sùng Lĩnh chung đúc linh thiêng, do đánh vỡ chén ngọc, Trời cho giáng sinh. Tương truyền cây gỗ tốt lưu sự tích kỳ dị, thành nhân gian bất tử, tiếng tăm lẫy lừng, muôn phương ngưỡng đức.
         Kính nghĩ:
       Đền thờ ở Phố Bắc Lệ, châu Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang phụng thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Thượng Ngàn công chúa. Đền dựng bằng lá từ rất lâu lại ở mãi trên núi (ngàn) đã bị cháy. Nay có vị Thanh đồng là Nguyễn Thị Khoan hiệu Diệu Chính lòng thành xin đầu tư sửa chữa.
      Trước cửa thánh trộm nghĩ rằng: Một cây gỗ không thể thành rừng; một tảng đá to chưa thể đủ núi cao, nếu đứng ra mở rộng việc quyên góp của thiện tín thập phương bằng lòng hằng sản tâm trợ giúp thì quả phúc (công việc tu sửa) sẽ thành. Các Tòa trong ngoài của đền được sửa chữa thành mới, lại mở thêm khu nhà bếp, tiền của vô kể, muôn lòng đều vui vì công việc cung đức to lớn, văn minh và hiển hách một thời. Quyền thần muôn dặm cũng tại lòng người không sao ngăn được. Khắc tên vào đá để truyền mãi về sau. Người sau khi lên đền này thấy bia này được ân đức này vậy. Nay lập bia tại đền.
       Ngày Phúc Sinh tháng giêng năm Bảo Đại thứ 8 (1933).

Ghi chú:  
       - Phiên âm và dịch hai bia ký này:  Hoàng Giáp (Viện Hán Nôm).
       - Trước đây Đền Công Đồng Bắc Lệ thuộc tỉnh Bắc Giang. Sau này, mới chuyển về đất của Lạng Sơn

Lịch sử tên đền Công Đồng Bắc Lệ

   Theo bạn Đỗ Tùng thì lịch sử tên gọi Đền Công Đồng Bắc Lệ như sau:

   Năm 1888, để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của mình, người Pháp tiến hành xây dựng các tuyến đường sắt từ bắc vào nam. Trong đó có tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Năm 1902, tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác. Trong quá trình thi công công trình đường sắt này, người Pháp tiến hành giải tỏa mặt bằng để xây dựng. Tất cả các ngôi đền ở trong hành lang đường sắt đều phải dỡ bỏ. Khi đó tượng pháp, đồ thờ tự, tế khí....của các đền đều được rước về tại Đền Bắc Lệ, một số khác thì rước vào các động núi gần xung quanh (như đền quan Giám Sát Lạng Sơn rước đồ thờ, tượng thánh vào động Ba Nàng, Cai Kinh ). Chính bởi vì việc này mà đền Bắc Lệ mới được nhân dân gọi là đền công đồng. Sau này, khi đường sắt xây dựng xong, các đền lần lượt xây dựng lại và rước đồ thờ của đền về sở mới. Nhưng cái tên gọi Công Đồng tồn tại trong hơn 10 năm đã trở thành 1 tên gọi quen thuộc và từ đó nhân dân đều dùng đó là tên gọi nôm của đền Bắc Lệ, gọi đủ ra là đền Công Đồng Bắc Lệ.  Tên gọi đền Công Đồng là xuất phát từ lý này.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Am Ngọa Vân - Nơi Trần Nhân Tông hóa Phật

Quan Lớn Đệ Nhị

Đền Bồng Lai Hòa Bình