Nghĩa vụ của Đồng Thầy
Lời ban biên tập: Chúng tôi xin biên tập bài viết: "Nghĩa vụ của Đồng Thầy" của Thầy Trần để các bạn tham khảo.
Tôi vẫn nhớ trong lòng những câu dậy bảo dặn dò của Cụ tôi khi tôi bắt đầu bước chân làm Thầy.
Nhân tôi có vài học trò ra làm Thầy, nên cũng viết vài dòng để các Em học hỏi và cũng mong mọi người thưởng lãm. Nếu bài viết này có giúp được gì cho ai, tôi rất hoan hỉ.
Cụ tôi có nói:
Con ra làm thầy phải nhớ kỹ điều này:
Quyền được làm thầy dẫn đạo cho người không dễ, nhưng cũng không khó. Con phải luôn nhớ: Dù con là Thầy người ta, nhưng cũng không được tự kiêu tự đại, nếu không rồi đến lúc "xểnh một ly đi một dặm", tất dẫn đến sái Đạo Tâm mà gây ra lỗi Đạo .
Đặc biệt, khai hồ mở phủ cho người mà lấy tiền là hay lỗi đạo nhất. Thậm chí quá đà tất dẫn đến Thánh tha Ma nhập .
Con phải nhớ chữ Thầy của con bởi có Đạo mà có và cũng là do Tiên Thánh ban; cho nên đừng quên mục đích chính là phát dương Đạo nhà.
Con phải nhớ:
Ở đâu có sự nghèo đói tan nát khổ đau cơ hành cùng cực, thì ở đó mới mong cầu cần sự cứu vớt của Phật Thánh nhiều nhất.
Chứ nơi giầu có, hạnh phúc, tâm họ không chắc đã cần sự cứu độ. Với họ, đôi khi dẫn đến sự phô trương nhằm thỏa mãn hay che lấp lỗi lầm nghiệp báo của họ gây ra cho xã hội.
Vậy nên:
Ở đâu cần có sự che chở để cứu thế độ nhân, thì con phải hết mình ở đó. Chỉ ở đó mới thể hiện sự từ bi che chở cứu vớt của chư Thánh Nhân Việt . Nơi đó mới là nơi cần sự hiện hữu của chư Thánh, mà đại diện tại nhân thế này là những người như con .
Con nên nhớ:
Một người Thầy mà không thi hành sứ mạng nghiệp đã đeo; không sử dụng và thể hiện được Quyền lực Pháp lực được học, được Thánh Ân ban cho tại nơi thế nhân cần, nơi đau khổ, nơi cần đạo, nhưng nếu con vì một cái gì đó lại sử dụng Đạo học của chư Thánh làm trái lẽ Đạo; dùng Đạo Thuật tại nơi không cần thiết đó là con đã trái với nghiệp làm Thầy.
Khi con nhận lãnh sứ mạng mà không chấp trì Quyền Pháp thì sứ mạng không hoàn thành. Nghiệp quả của con sẽ biến thành oán nghiệp. Hậu quả Tam nghiệp con phải gánh.
Là Thầy truyền đạo, dẫn đạo và hành Đạo như con phải nhớ:
Quyền của ông Thầy và Pháp môn là khả năng vận dụng nguyên lý Đạo pháp vốn hằng hữu trong Bản thân tâm linh của chính mình để tác động vào đời sống nhân sinh và tâm linh của mọi người,
Để truyền cái Ân Đức Thần Thông của chư Thánh cứu độ dân Việt,
con phải phát huy khả năng làm chủ của tâm linh trong sứ mạng tốt đời đẹp đạo cải hóa quần sinh.
Con có danh là Thầy đừng để mất bản Tâm mà sai đường những gì được tu học. Nghiệp của con kiếp này là phải làm tốt sứ mạng của mình mà Đạo Việt đã giao. Hãy vận dụng khả năng tu học về tâm linh để tự thánh hóa chính mình, mong có thể hành động với tinh thần của một sứ giả chân chính của Phật Thánh, của Đạo Việt.
Con phải nhớ người Thầy hành đạo, dẫn đạo không có quyền đòi hỏi hay cung phụng gì cả với con nhang và bách gia trăm họ. Con chỉ có quyền đó là tình thương, và luôn tâm niệm hành Pháp là sự sống của mình .
Con nhớ Thầy gọi Pháp là sự sống vì đạt được Pháp chính là nắm được quy luật tồn tại cho mình cho mọi người. Không có Pháp, thì Quyền hành của ông Thầy không còn tác dụng cứu độ chúng nhân nữa.
Đó là "làm lính có công làm đồng có pháp" .
Thầy không pháp thì không gọi là thầy. Khi đó chỉ là kẻ lừa đảo mà thôi.
Nhưng có Quyền làm thầy mà không hành đạo cho đúng Tâm từ bi của Đạo mà chỉ dùng Pháp nhằm mục đích tiền tài danh vị.... Trước sau con cũng đi đến chỗ Thánh Tha Ma Nhập, xô ngã con người con vào lạc lầm u tối .
Thế nên, thầy nhấn mạnh cho con biết:
Con tu học nhiều năm để đạt được như bây giờ về Pháp và Đạo, đừng để Thầy thất vọng. "Tre già măng mọc" con đã làm Thầy ta chỉ nói thêm cho đúng câu: "họ nhà thì xa họ Đồng thì gần". Lẽ đó mới xứng đáng là người Thầy dẫn đạo.
Truyền đạo tùy căn cơ mà truyền và cũng phân tích rõ ràng thì mới nghiêm minh .
Quyền lực của người thầy là tình thương.
Quyền làm Thầy chính là đạt được khả năng giáo hóa, cứu độ chúng nhân, thể hiện được cái Chân, Thiện, Mỹ, Đức của Đạo Việt.
Đúng việc thì làm, nếu việc không cần kêu cầu bái đảo là cấm làm. Không được bày vẽ lãng phí tốn kém. Có căn duyên với Đạo thì nhận. Nếu không có căn duyên, dù bất cứ ai bất cứ người nào hay vì bất cứ gì đều không dẫn trình vào Đạo
Nếu đã nhận bằng mọi cách giáo họ: Lấy lễ hòa người; lỡ lầm lỗi, phải ăn năn.
Chớ học được một chút hay có chút dị năng mà khoe tài, đừng cao ngạo, hãy quên mình mà giúp cho người đời. Hãy giúp người nên Đạo, không vì yêu ghét riêng tư.
Con cũng nên học Thầy về đàn lễ Bạc tiền khi Hầu Thánh phân minh, tránh hiểu lầm giữa Thầy trò; đừng bao giờ lấy tiền dẫn đạo. Đặc biệt về tứ phủ đại Tấu dẫn trình cũng không được phép lấy tiền của con nhang đệ tử dù một đồng.
Vì Đạo không bao giờ được mua bán trao đổi .
Đừng tưởng vào đạo rồi thì đối với chúng nhân cứ loạn danh xưng Cậu, xưng Cô, xưng Thầy; phải khiêm cung, cư xử phải chân thật. Trước mặt sau lưng phải đồng nhất; đừng kính trước rồi khinh sau.
Đừng cậy quyền năng mà tỏ vẻ nên mặt và đặc biệt dùng pháp hại người là cấm .
Con là người Thầy, người hướng đạo phải học cho tinh vi, phải quán triệt cái quyền làm Thầy, phải luôn theo sát con nhang đệ tử; phải có trách nhiệm kêu thay ,gánh đỡ, kêu thấu, tấu nổi cho đệ tử trong lúc sơ cơ.
Chứ nếu để con nhang tự tu, tự độ, tự đi thì khổ chúng nó.
Đã gánh hộ con nhang thi không được biểu lộ ra Ân hay kể lể. Đã gánh hộ con nhang đệ tử không được phép tính toán thiệt hơn.
Con hãy nhớ con và thầy đều là người nợ nhà Thánh, chịu ơn nhà Thánh. Nên con làm Thầy hãy cố gắng hết sức cho xứng đáng chữ Thầy. Nếu con không sống xứng đáng với chữ Thầy, thì đó là họa cho đời cho đạo và tất nhiên cho gia đình con cháu của con....
Có vài câu Thầy tôi dạy tôi bây giờ viết lại cho mấy đệ tử, nhân tiện mời các bạn xem.
Xin các bạn chỉ chia sẻ bài viết, không nên coppy.
Tác giả Thầy Trần
Ban biên tập: Xin cảm ơn Thầy Trần về bài viết. Đây là bài viết được biên tập từ bài viết của Thầy Trần, nên rất mong các bạn có coppy thì phải ghi rõ nguồn: Thầy Trần để tránh các sự hiểu lầm đáng tiếc.
Nhận xét
Đăng nhận xét